Bài chia sẻ: Không đọc sách có giỏi được chuyên môn không?

Trong tiếng Nhật có một từ khá kỳ quặc là “Senmon Baka” (Tạm dịch là “nhà chuyên môn ngu ngốc” dịch đời thường hơn thì có thể sẽ thành “nhà chuyên môn dốt nát”, “chuyên gia ngu dốt”). Từ này có ý ám chỉ những ai chỉ biết mỗi lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình mà không biết đến cái gì khác ngoài nó nhất là những gì thuộc về lĩnh vực văn hóa nói chung như văn chương, nghệ thuật, lịch sử, triết học…

Dưới đây là cái nhìn và phân tích rất thú vị của Giáo sư Takashi Saito về chuyện để trở thành chuyên gia giỏi lĩnh vực nào đó có cần đọc sách ngoài chuyên môn hay nền tảng văn hóa nói chung không. Đọc nó ta hãy liên hệ đến chuyện cha mẹ, thầy cô hiện nay, nhiều người chỉ chăm chăm cho con mình, học sinh mình luyện môn “chuyên” và sinh viên, kĩ sư chỉ nghĩ “đọc, học chuyên môn” là đủ ở ta.

Tôi sẽ nói tới điều này ở phần sau. Đó là đọc sách tạo ra “sự sâu sắc” trong con người.

“Sự sâu sắc” mà tôi muốn đề cập không phải là sự sâu sắc của việc chú tâm triệt để vào một thứ. Cho dù tập trung vào lĩnh vực chuyên môn đi nữa nhưng khi hoàn toàn không biết về những cái khác thì sẽ mất cân bằng. Sự sâu sắc là thứ mang tính chất toàn thể nhân cách và là thứ có tính chất tổng hợp.

Tôi đã đề cập đến chuyện sinh viên đại học không đọc sách nhưng thực tế thì tôi có ấn tượng rằng cả các giảng viên đại học cũng không đọc sách để có văn hóa. Trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng ở đại học tôi đã hỏi câu hỏi thế này.

“Anh (chị) có thể nói cho tôi biết ba cuốn sách ngoài chuyên môn đã tạo nên văn hóa của bản thân anh chị không?”

Điểm quan trọng là “ngoài chuyên môn” vì thế đây là câu hỏi xác nhận xem người được phỏng vấn có phải là người có văn hóa rộng hay không.

Tuy nhiên, rất nhiều người đã đột nhiên không nói được lời nào. Nếu như họ nói “Có quá nhiều cuốn nên không thể kể hết được” thì còn có thể hiểu được. Tôi cũng mong họ sẽ nói “Nếu chỉ gói gọn lại có ba cuốn thì khó quá, hãy cho tôi kể 10 cuốn nhé!”. Tuy nhiên, đáng tiếc là ngày càng có nhiều người trả lời “Nếu như là sách chuyên môn thì tôi có thể kể ra ngay nhưng…”

Tôi nghĩ rằng, chuyện thông tỏ lĩnh vực chuyên môn là đương nhiên nhưng vẫn phải cần văn hóa nói chung với tư cách là nền tảng. Việc làm khoa học mà không biết triết học hay nghiên cứu kinh tế mà không biết gì đến văn chương thì thật là nguy hiểm.

Vì vậy mà có khóa trình văn hóa dành cho sinh viên đại học năm thứ nhất.

Người ta gọi nó là “Liberal art”.

Khái niệm “Liberal art” đã ra đời trong thời Hy Lạp cổ đại.

liberal arts

Khởi nguyên của nó là nguyên lý giáo dục “kỹ nghệ phát triển con người toàn diện để trở nên tự do”. Ở đó người ta cho rằng con người để thoát ra khỏi sự trói buộc của thiên kiến, thói quen… và sống theo ý chí của bản thân thì cần đến tri thức thực tiễn rộng rãi”.

Sau đó trong thời trung đại châu u nó được kế thừa và được định nghĩa là “7 môn tự do” là “Văn phạm, Logic, Tu từ, Số học, Hình học, Thiên văn, m nhạc”. Và sau đó khi giáo dục chuyên môn như Thần học, Y học, Pháp luật ra đời, chúng trở thành các môn cần phải được học trước.

“Liberal Art” hiện đại vừa hấp thụ dòng chảy đó vừa trở nên rộng hơn bao gồm cả kinh tế học và khoa học tự nhiên phát triển vào thời cận đại.

Gần đây “Liberal Art” đã trở nên được coi trọng bởi vì người ta nhận thức mạnh mẽ rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa tiến triển các vấn đề xã hội trở nên phức tạp và cần tính mềm dẻo vượt qua lĩnh vực chuyên môn khi giải quyết vấn đề.

Cho dù tri thức chuyên môn phong phú đi nữa thì một khi vận dụng tri thức đó nếu thiếu đi góc nhìn đa chiều sẽ gặp khó khăn. Ví dụ như cho dù có học được kĩ thuật gen và hiểu được kĩ thuật gen đi chăng nữa nhưng để xử lý được vấn đề khó khăn là nên nhìn nó như thế nào từ góc độ luân lý sinh mệnh sẽ cần đến tri thức rộng như lịch sử, tôn giáo, triết học…

Vì thế trong thời đại mà văn hóa ngày càng trở nên cần thiết thì lại xảy ra chuyện người ta không đọc sách”.


Đọc ý trên và suy ngẫm thì tôi thấy một cá nhân dù xuất sắc, có trí tuệ trong khoa học hay kĩ thuật nhưng nếu không có nền tảng văn hóa tốt, phong phú, không có sự dẫn dắt trong vô thức của nền tảng đó về mỹ học, tư duy, khát vọng… thì chuyên môn của cá nhân đó cũng sẽ có giới hạn rất khó thăng hoa đến đỉnh cao thành thiên tài hay cống hiến lớn lao cho nhân loại. Điểm lại lịch sử sẽ thấy các nhà khoa học vĩ đại cũng đồng thời là các triết gia, nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng…

Xét ở bình diện rộng hơn, các thiên tài hay vĩ nhân có sáng tạo lớn lao trong khoa học cũng đa số xuất hiện và trưởng thành trong các dân tộc, cộng đồng có nền tảng văn hóa (sử học, triết học, nghệ thuật) cao.

Điều đó có nghĩa là, muốn Việt Nam có các nhà khoa học đỉnh cao ta không thể nào chỉ chăm lo cho trẻ em học Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh là đủ và nghĩ rằng như thế là đủ tầm chơi ở sân chơi quốc tế.

Trẻ em cần được “nhúng” trong môi trường văn hóa ở gia đình, nhà trường, xã hội để có cơ hội chìm đắm trong thi ca, nhạc họa, triết học, sử học….

Từ đó mới có thiên tài.

Không thể nào có những ngọn tháp cao chọc trời, sáng lấp lánh trên một nền móng yếu. Tháp càng cao càng cần nền móng rộng và vững.

Khuyến đọc, nỗ lực phát triển văn hóa đọc tới từng cá nhân, gia đình là một cách thức hữu hiệu tạo ra nền móng ấy.

– Tác Giả Dịch Giả Nguyễn Quốc Vương –

Chia sẻ ý kiến của bạn

Nhập bình luận. Yêu cầu điền thông tin *